Bánh canh cá lóc là món ăn quen thuộc trong ẩm thực miền Nam và miền Trung Việt Nam, nổi bật với hương vị đậm đà và cách chế biến đơn giản. Mỗi vùng miền có một cách nấu bánh canh cá lóc riêng biệt, tạo nên những hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Trong bài viết này, Mikiri sẽ giới thiệu 3 cách làm bánh canh cá lóc khác nhau, mỗi món mỗi hương vị riêng biệt, giúp bạn dễ dàng đổi mới khẩu vị cho gia đình.
Mục Lục
- Cách làm bánh canh cá lóc ăn với rau đắng
- Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Mẹo lựa chọn cá lóc tươi ngon:
- Cách làm bánh canh cá lóc rau đắng:
- Cách làm bánh canh cá lóc cốt dừa Miền Tây béo thơm
- Cách làm món bánh canh cá lóc kiểu Huế, đậm nét ẩm thực Cung Đình
- Nên lựa chọn loại bánh canh nào cho phù hợp?
- Bánh canh cá lóc – Lựa chọn hoàn hảo để đổi vị cơm nhà
Cách làm bánh canh cá lóc ăn với rau đắng
Bánh canh cá lóc rau đắng là một món ăn mang đậm hương vị của miền Trung, với sự kết hợp của nước dùng ngọt từ cá lóc và vị đắng nhẹ đặc trưng của rau đắng. Món ăn này không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng, thích hợp cho những ai yêu thích sự thanh mát và dễ tiêu hóa.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 con cá lóc (khoảng 500g)
- 300g bánh canh bột gạo
- 1 bó rau đắng
- Hành lá: 3 nhánh
- Hành tím: 3 củ
- Nước mắm: 1 muỗng canh
- Hạt nêm: 1 muỗng canh
- Tiêu: ½ muỗng cà phê
- 1 ít ngò
- Tỏi băm nhuyễn: 1 muỗng canh
Mẹo lựa chọn cá lóc tươi ngon:
– Quan sát da cá: Cá lóc tươi thường có lớp da trơn bóng, màu nâu đen hoặc xám sậm tự nhiên, không bị trầy xước hay xỉn màu.
– Kiểm tra mắt cá: Mắt cá trong, sáng rõ và hơi lồi là cá còn sống khỏe. Tránh chọn những con mắt đục, lõm sâu.
– Ấn thử thân cá: Dùng ngón tay ấn nhẹ vào thân cá, nếu thấy thịt cá đàn hồi tốt, săn chắc, không bị mềm nhũn thì là cá tươi.
– Mang cá đỏ tươi: Nếu có thể quan sát mang cá, hãy chọn con có mang màu đỏ hồng, không có mùi hôi lạ.
Nếu mua được cá sống thì càng tốt, vừa đảm bảo độ tươi ngon, vừa giữ được độ ngọt tự nhiên của thịt cá.

Cách làm bánh canh cá lóc rau đắng:
Sau đây, là cách làm bánh canh cá lóc ăn kèm với rau đắng chỉ qua vài ba bước, giải nhiệt cho ngày oi bức
Bước 1: Cá lóc làm sạch, cắt khúc vừa ăn, lọc lấy thịt, giữ lại phần xương để nấu nước dùng. Để tránh mùi tanh, trong quá trình sơ chế nên dùng muối để chà xát.
Bước 2: Bắc nồi lên bếp, cho 1 lít nước và cá lóc đã sơ chế vào nồi và bắt đầu luộc ở lửa vừa trong khoảng 10 phút. Nên cho thêm vài nhánh hành lá vào luộc cùng để cá thơm hơn. Sau khi luộc xong, bạn vớt cá ra, để nguội và gỡ bỏ phần xương để lấy thịt cá.
Bước 3: Đầu tiên, nêm vào thịt cá 1/2 muỗng canh nước mắm và 1/2 muỗng cà phê tiêu xay. Tiếp đến, nấu sôi nồi nước luộc cá trước đó, nêm 1 muỗng cà phê hạt nêm và 1/2 muỗng cà phê bột ngọt. Sau đó, cho phần thịt cá đã bỏ xương vào nồi, cho thêm rau đắng vào cùng và nấu sôi nồi canh trong khoảng 10 phút.
Bước 4: Đun nước sôi trong nồi khác, thả bánh canh vào nấu cho đến khi chín mềm. Sau khi nấu xong, vớt bánh canh ra để ráo nước.
Bước 5: Cho bánh canh vào tô, đổ nước dùng cá lóc lên, thêm thịt cá và rau đắng vào. Món ăn này có sự kết hợp tuyệt vời giữa vị ngọt từ nước dùng, vị đắng nhẹ của rau đắng và sự tươi ngon của cá lóc, khiến bạn không thể cưỡng lại.

Cách làm bánh canh cá lóc cốt dừa Miền Tây béo thơm
Bánh canh cá lóc miền Tây là một món ăn nổi bật của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, món ăn này không thể thiếu nước cốt dừa béo thơm, mang đến hương vị đặc trưng và khiến nước dùng thêm đậm đà, lôi cuốn. Mikiri sẽ hướng dẫn bạn cách làm bánh canh cá lóc béo thơm, vào bếp và thử cùng chúng tôi ngay nhé!
Nguyên liệu chuẩn bị để làm bánh canh cá lóc:
- 1 con cá lóc (khoảng 500g)
- 1 lít nước dừa tươi
- 500ml nước cốt dừa
- 2 nhánh hành lá
- 1 bó ngò
- Tỏi băm nhuyễn
- Dầu ăn: 2 muỗng canh
- Nước mắm: 1 muỗng canh
- Bột ngọt: 1 muỗng canh
- Bánh canh: 300g
- Hành tím băm nhuyễn
- Tỏi băm
Cách làm bánh canh cá lóc miền Tây:
Bước 1: Đầu tiên, làm sạch cá lóc: cạo kỹ vảy, bỏ mang, mổ bụng và lấy hết phần máu tanh ở bụng cá. Sau đó, dùng muối hột (có thể thêm chút rượu trắng hoặc chanh) chà xát nhẹ nhàng toàn thân cá. Mẹo này không chỉ giúp khử mùi tanh mà còn làm thịt cá săn chắc hơn.
Rửa cá lại bằng nước sạch 2–3 lần, để ráo. Cuối cùng, cắt cá thành từng khúc vừa ăn, tùy món định nấu mà cắt dày hay mỏng.
Bước 2: Phi thơm hành tím, hành lá và tỏi băm, cho cá vào và xào sơ. Nêm khoảng 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt. Xào trong khoảng 5 phút để thịt cá thấm đều gia vị và săn lại.
Bước 3: Cho 1 lít nước dừa vào nồi nấu trên lửa lớn cho đến khi nước dừa gần sôi thì thêm cá lóc. Tiếp tục cho vào nồi 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê đường và nấu cho đến khi cá chín. Cuối cùng, cho 500ml nước cốt dừa vào, thêm hành ngò và nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
Bước 5: Cho bánh canh vào tô và chan nước dùng lên trên. Món bánh canh này có hương vị béo thơm từ nước cốt dừa tươi, kết hợp với vị ngọt thanh của cá lóc, tạo nên món ăn thơm ngon đầy hấp dẫn.

Cách làm món bánh canh cá lóc kiểu Huế, đậm nét ẩm thực Cung Đình
Bánh canh cá lóc kiểu Huế mang một hương vị rất đặc trưng của vùng đất Cố Đô. Món ăn này có sự kết hợp giữa nước dùng đậm đà, gia vị xào lăn và chút cay nồng từ ớt tươi, khiến món ăn trở nên cuốn hút hơn bao giờ hết. Sau đây, Mikiri sẽ hướng dẫn bạn cách làm món bánh canh cá lóc đậm vị Cố Đô này.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 con cá lóc khoảng 600g
- 100g bánh canh
- Hành tím băm nhuyễn
- 3 nhánh hành lá
- 3 trái ớt
- 2 củ tỏi
- 1 bó rau răm
- 1 muỗng canh nước mắm
- ½ muỗng canh muối
- 1 muỗng cà phê đường
- 1 muỗng canh tiêu
- 1 ít ngò
- 1 muỗng canh mắm ruốc
Cách làm món bánh canh cá lóc kiểu Huế:
Bước 1: Cá lóc làm sạch, cắt khúc, ướp với muối, tiêu, bột ngọt trong 15 phút cho thấm. Hành lá và rau răm cần rửa sạch, cắt nhỏ. Ớt thì thái lát để tăng thêm vị cay nồng đặc trưng. Mắm ruốc thì nấu sôi, sau đó cho ít nước lọc vào để lắng lấy phần nước trong.
Bước 2: Tiến hành luộc cá. Đun sôi đến khi cá chín tới thì vớt ra để nguội, phần nước luộc cá giữ lại để dùng làm nước lèo. Khi cá đã nguội bớt, nhẹ nhàng gỡ lấy phần thịt, tránh làm nát cá. Để thêm đậm đà, nên ướp cùng với 1/2 muỗng cà phê tỏi băm, 2 muỗng canh hành băm, 1/2 muỗng canh ớt khô, 1/2 muỗng cà phê tiêu và mắm ruốc đã hòa tan.
Tiếp đến, phi thơm tỏi, ớt, hành lá và hành tím cắt lát, sau đó cho thịt cá đã ướp vào xào đều tay đến khi cá thấm vị.
Bước 3: Cho phần nước luộc cá vào nồi, thêm 1 muỗng canh nước mắm ruốc đã hòa tan từ trước, khuấy đều. Nêm nếm gia vị với 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh muối, 1 muỗng cà phê đường, sao cho nước lèo có vị đậm đà và vừa miệng. Cuối cùng, thêm hành lá và hành phi để tăng thêm hương vị cho món ăn.
Bước 4: Cho bánh canh vào tô, thêm thịt cá vào và chan nước dùng lên trên. Món bánh canh này có vị cay nhẹ từ ớt tươi, đậm đà từ gia vị xào lăn và nước dùng ngọt thanh, tạo nên hương vị đặc trưng của vùng đất Huế.

Nên lựa chọn loại bánh canh nào cho phù hợp?
Đối với món bánh canh cá lóc, hương vị thơm ngon không chỉ nằm ở phần nước lèo hay thịt cá, mà sợi bánh canh cũng là yếu tố quyết định quan trọng. Sợi bánh canh bột gạo truyền thống với độ dẻo mềm đặc trưng chính là “linh hồn” của món ăn này.
Tuy nhiên, các loại bánh canh tươi có mặt trên thị trường hiện nay không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng. Hiểu được điều đó, Mikiri đã cho ra mắt dòng bánh canh ống với hàm lượng bột gạo lên đến 80%. Đặc biệt, với kết cấu dẻo mềm bên ngoài, rỗng ruột bên trong giúp sợi bánh thấm vị nước lèo đậm đà, làm món bánh canh cá lóc thêm phần tròn vị.

Bánh canh cá lóc – Lựa chọn hoàn hảo để đổi vị cơm nhà
Ba cách làm bánh canh cá lóc mà Mikiri giới thiệu đến bạn trong bài viết hôm nay đều mang đến những hương vị rất riêng biệt. Món bánh canh cá lóc rau đắng là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích hương vị thanh mát, nhẹ nhàng. Bánh canh cá lóc miền Tây với nước cốt dừa béo thơm ngào ngạt sẽ khiến bạn cảm nhận được cái hồn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Còn nếu bạn muốn thưởng thức món bánh canh đậm vị cay nồng hãy thử bánh canh cá lóc kiểu Huế.
Dù bạn chọn món nào, bánh canh cá lóc sẽ là một lựa chọn tuyệt vời để thay đổi khẩu vị trong các bữa ăn gia đình.
