Scroll

Bí quyết nấu vịt nấu chao béo thơm chuẩn vị miền Tây

Trong kho tàng ẩm thực phong phú của miền Tây Nam Bộ, vịt nấu chao là một trong những món ăn đặc sắc, đậm đà và giàu bản sắc địa phương. Món ăn này không chỉ hấp dẫn bởi hương vị béo bùi, cay thơm, mà còn vì sự kết hợp hài hòa giữa thịt vịt chắc ngọt và chao – một loại đậu hũ lên men được mệnh danh là phô mai Châu Á. Trong bài viết này, Mikiri sẽ hướng dẫn bạn cách nấu vịt nấu chao chuẩn vị miền Tây.

Giới thiệu món vịt nấu chao

Vịt nấu chao là món ăn truyền thống có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa sinh sống lâu đời ở miền Tây Nam Bộ. Từ một món ăn gia đình đơn sơ, vịt nấu chao dần trở thành đặc sản nổi bật tại các tỉnh như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, rồi lan rộng khắp cả nước. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng bắt gặp món ăn này trong các quán ăn, nhà hàng hoặc trong chính mâm cơm của các gia đình Việt.

Điểm nhấn của món vịt nấu chao nằm ở chao – một nguyên liệu độc đáo được làm từ đậu hũ lên men. Chao có mùi thơm nồng, vị béo mặn đặc trưng, khi nấu chung với thịt vịt sẽ giúp át mùi tanh và tạo nên một hương vị rất riêng, không lẫn với bất kỳ món ăn nào khác.

Vịt nấu chao
Vịt nấu chao

Nguyên liệu chính làm nên món vịt nấu chao

Để nấu một nồi vịt nấu chao đúng điệu, người nấu cần chuẩn bị đầy đủ và chọn lựa kỹ nguyên liệu. Trong đó, hai thành phần chính không thể thiếu là thịt vịt và chao. Ngoài ra còn có khoai môn, khoai lang, rau muống, rau tần ô và một số loại gia vị quen thuộc khác.

  • Vịt 1 con (800g-1kg)
  • 1 hũ chao 380g
  • 2 củ khoai môn 
  • 2 củ khoai lang
  • 1 bó rau muống
  • 1 bó rau cải thìa
  • 1 nhánh gừng
  • 2-3 cây sả
  • 2 quả dừa xiêm
  • 5 tép tỏi
  • 3 củ hành tím
  • 5 muỗng canh dầu ăn
  • 2 muỗng canh dầu điều
  • Gia vị khác: đường, tiêu, hạt nêm, bột ngọt, muối
  • Bún tươi 500g -1Kg
Nguyên liệu làm vịt nấu chao
Nguyên liệu làm món vịt nấu chao

Mẹo lựa chọn nguyên liệu tươi ngon:

Nên dùng vịt xiêm hoặc vịt cỏ vì thịt săn chắc, ít mỡ, ngọt thịt và thơm hơn vịt nuôi công nghiệp.

Có thể dùng chao môn, chao đậu hoặc chao đỏ tùy thích để tạo độ béo và màu sắc bắt mắt cho món ăn.

Nên chọn các củ khoai môn có hình dáng tròn như quả trứng gà kích thước to vừa phải. Củ khoai môn có nhiều đất ẩm bám xung quanh vỏ ngoài sần sùi và nhiều râu là những củ còn tươi mới. Chọn khoai môn có trọng lượng nhẹ thì sẽ ít nước, khi chín khoai sẽ có vị ngọt, bùi và thơm đậm. 

Nên lựa mua những củ khoai lang có lớp vỏ lành lặn, không bị nứt, sứt mẻ hay có dấu hiệu bị dập. Khi cầm cảm thấy cứng và chắc tay, nên chọn khoai có cỡ vừa là ngon nhất.

Cách nấu vịt nấu chao ngon đậm đà

Để chế biến món vịt nấu chao thì cũng không quá phức tạp, nhưng đòi hỏi người nấu phải tỉ mỉ trong từng công đoạn để đảm bảo món ăn có hương vị đặc trưng.

1. Sơ chế nguyên liệu

Vịt sau khi làm sạch, dùng muối hột, gừng giã nhuyễn và rượu trắng để chà xát lên khắp thân vịt. Bước này không những giúp loại bỏ hoàn toàn mùi hôi mà còn làm da vịt săn lại, khi nấu sẽ không bị bở. Rửa lại bằng nước lạnh thật kỹ, để ráo, rồi chặt thành từng miếng vừa ăn.

Khoai gọt vỏ, rửa qua với nước cho sạch, cắt thành những miếng vừa ăn dày khoảng 2 lóng tay. Ngâm khoai vào thau nước lạnh cho hết nhựa và không bị thâm đen. Ngâm khoảng 20 phút thì vớt ra để ráo.

2. Ướp vịt với chao

Múc 300g chao đậu/ chao môn và 2 muỗng canh nước của chao ra chén, thêm 3 muỗng canh đường, 2 muỗng canh dầu điều, 2 muỗng canh bột ngọt, dùng muỗng nghiền nhuyễn. Ướp vịt với hỗn hợp chao và ½ muỗng canh hành tím băm, ½ muỗng canh tỏi băm. Trộn đều và để ướp thịt vịt tầm khoảng 30-60 phút cho thấm gia vị.

Ướp thịt vịt
Cách ướp thịt vịt

3. Chiên khoai 

Sau khi ráo nước, bắc chảo lên bếp mở lửa vừa, cho thêm 2 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu nóng bạn cho khoai vào chiên 5 phút cho xém cạnh rồi vớt ra, để ráo dầu. Bước này sẽ giúp khoai săn lại và không bị nát khi nấu.

chien-khoai-mon-nau-vit-nau-chao
Chiên khoai môn

4. Chế biến món vịt nấu chao

Bắc nồi lên bếp đến khi nóng thì cho vào 2 muỗng dầu ăn, đợi dầu sôi thì phi hành, tỏi, gừng cho thơm lên. Cho thịt vịt đã ướp vào xào trên lửa lớn khoảng 10 phút để thịt săn lại.

Sau đó, thêm vào nồi khoảng 1 lít nước dừa tươi, nếu không có thì thay bằng nước lọc. Hạ lửa vừa, đậy nắp hầm từ 25–30 phút đến khi thịt chín mềm. Tiếp theo cho khoai môn, khoai lang vào, nấu tiếp cho khoai chín nhừ và nước dùng sánh lại là được.

Món ăn khi nấu xong phải có mùi chao thơm đặc trưng, nước dùng sánh nhẹ, thịt vịt chín mềm không khô, khoai ngọt bùi, tan trong miệng.

Vịt nấu chao hấp dẫn
Món vịt nấu chao

5. Hoàn thành và thưởng thức

Vịt nấu chao ngon nhất là khi ăn nóng, ăn kèm với bún tươi cùng các loại rau như: rau muống, rau cải xanh, rau tần ô,… và một chén chao đã được pha. Bên cạnh đó, cũng có thể dùng kèm với cơm trắng. 

Vịt nấu chao thơm ngon chuẩn vị miền Tây
Vịt nấu chao thơm ngon chuẩn vị miền Tây

Vịt nấu chao – Món ăn gây thương nhớ cho thực khách

Mỗi thành phần trong nồi vịt nấu chao đều góp phần tạo nên một món ăn có tổng thể hài hòa. Miếng thịt vịt mềm thơm, đậm béo vị chao, khoai môn bùi bùi, khoai lang ngon ngọt, nước dùng sánh nhẹ, thơm nức mùi sả khiến bất kỳ ai cũng phải xiêu lòng. Với sự hội tụ của vị béo, vị bùi, vị mặn, vị ngọt, vị cay đem đến hương vị đầy hấp dẫn, kích thích mọi giác quan.

Không chỉ ngon miệng, mà vịt nấu chao còn rất bổ dưỡng. Thịt vịt giàu protein, sắt và vitamin B, chao cung cấp men vi sinh tốt cho hệ tiêu hóa, khoai thì chứa chất xơ và kali, giúp bảo vệ hệ tim mạch.

Vịt nấu chao đối với văn hóa ẩm thực miền Tây

Ở miền Tây, vịt nấu chao không chỉ là món ăn ngon mà còn là món ăn của tình thân. Người ta thường nấu vịt nấu chao vào những dịp tụ họp, lễ Tết, cúng giỗ hoặc đơn giản là vào những buổi tối lành lạnh hay những chiều mưa lất phất, cả nhà cùng quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói. Món ăn ấy không cầu kỳ, không sang trọng, nhưng đủ để kết nối yêu thương và đem lại cảm giác ấm cúng. 

Vịt nấu chao thơm ngon

Mẹo nhỏ để món vịt nấu chao thêm ngon

  • Chọn chao: Muốn món vịt tròn vị, trước hết nên chọn chao thật chuẩn. Bạn có thể dùng chao đậu Mikiri hoặc chao môn Mikiri, tùy khẩu vị. Chao mịn, béo nhẹ, thơm vừa phải sẽ giúp món ăn đậm đà mà không gắt.
  • Nêm chao vừa tay: Chao vốn mặn, nên cần cân đối với đường và nước mắm để không bị gắt vị.
  • Không nên nấu quá lâu sau khi cho khoai vào: Khoai sẽ bị nát và làm đục nước dùng.
  • Pha chén chao chấm riêng: Nghiền chao với tỏi, ớt, chút đường và nước chanh sẽ làm món ăn thêm phần đậm đà.

Kết luận

Vịt nấu chao không chỉ là một món ăn ngon, mà còn là một phần của văn hóa miền Tây sông nước. Từ nguyên liệu bình dị, người miền Tây đã sáng tạo nên món ăn đậm đà, khó quên, để rồi ai từng ăn qua một lần cũng phải nhớ mãi. Nếu bạn đang tìm kiếm một món ăn vừa lạ miệng, vừa ấm lòng cho những buổi tụ họp gia đình, thì vịt nấu chao chắc chắn là lựa chọn tuyệt vời.

Để lại một bình luận